Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

 

1.

Bên dưới các bài viết thể hiện lòng tôn trọng của tôi đối với một vị tu sĩ, có một số bình luận nhận định về người tu hành, như “Không lao động đóng góp cho xã hội, cả đời cũng chưa từng làm việc gì tốt... Đạo đức xã hội bị lệch lạc cũng từ đây mà ra”, hay “Lao động tạo ra của cải để giúp người khác thì tốt hơn là lối khổ hạnh vô ích”, v.v. Vậy rốt cuộc tu hành có ích gì cho cá nhân và xã hội?

Câu trả lời có lẽ không khó nếu xem xét những khía cạnh lớn nhỏ khác nhau, nhưng để nói một cách căn bản thì lại không dễ. Trong bộ phim Ấn Độ “Cuộc đời Đức Phật”, Phật nói với các học trò của mình rằng: “Con đường của ta không phải đưa các ông trốn tránh cuộc đời này. [Mà bởi vì] Ta tin rằng con người có thể thay đổi khi tiếp xúc với việc thiện hoặc việc ác của người khác. Niềm hy vọng [về việc đưa đến sự thay đổi] này dành cho những tâm hồn cao thượng”.

Nghĩa là gì? Bởi tin rằng đức hạnh của một cá nhân sẽ ảnh hưởng một cách to lớn tới người khác, cho nên thay đổi xã hội hay cải hóa đạo đức của dân chúng có một cách rất căn bản: Là xã hội ấy cần phải có những bậc mô phạm làm mẫu mực cho mọi người khởi lòng hướng thiện, hướng thượng và tự tu sửa bản thân họ. Đó là con đường của giáo hóa. Và vì thế, những người đi tu phải là những “tâm hồn cao thượng”, mang lý tưởng lớn lao phụng sự xã hội, không những tự mình mang đến hạnh phúc cho bản thân mà còn phải gánh vác trách nhiệm “chấn hưng văn hóa” bằng chính cái đời sống đầy phẩm hạnh của mình. Đó cũng chính là lý do tại sao khi gặp hình ảnh một bậc tu hành chân chính thì rất nhiều người lập tức bị cảm hóa, không ai xui khiến nhưng họ luôn muốn quỳ xuống đảnh lễ.

Con người vốn có sẵn tính thiện trong mình, nhưng vì những lý do nào đó, nó bị ô nhiễm và che mờ, và một trong những cách mau chóng nhất, hiệu quả nhất để thắp sáng trở lại thiện căn ấy chính là tấm gương đức hạnh chói sáng của một con người.

Người ta sẽ bảo, nhưng đó là “niềm tin lạc hậu” ở 2.600 năm trước. Không, rất gần chúng ta thôi, nhà bác học “vĩ đại nhất thế kỷ XX” A. Einstein đã viết trong tác phẩm “Thế giới như tôi thấy”: “Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng. Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?”. Phát biểu này đồng với những lời Đức Phật đã nói ở trên.

Tôi không phủ nhận ý nghĩa của tiền bạc, khoa học, công nghệ..., nhưng tôi cũng cho rằng không gì có thể thay thế được sức mạnh của phẩm hạnh cá nhân. Khốn nỗi là ở chỗ, “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Nó không nằm ở chỗ nói suông, càng không nằm ở những nơi ba hoa khoác lác. Đức hạnh chỉ được định nghĩa trên “hành” chứ không phải “ngôn”, mà ngôn thì dễ, chứ hành thì khó lắm, trong muôn vàn, chưa hẳn đã có một.

Sống như nói, đó mới là đạo đức chân thật. Và chỉ khi đó nó mới có sức mạnh. Miệng hô “buông bỏ” nhưng tay vơ vét, sống xa hoa, tham lam tiền bạc, quyền lực, thì đó chỉ là đạo đức giả.

Tôi không phải là một người theo “chủ nghĩa đạo đức” – hiểu như là một lối cai trị xã hội bằng thuyết giáo đạo đức, nhưng tôi tin rằng phẩm hạnh viên mãn của một con người sẽ luôn là nguồn ánh sáng dữ dội rọi vào tâm hồn một cộng đồng, khiến họ xúc động, bừng tỉnh. Tiếc thay, kẻ nói đạo lý thì nhiều vô kể, nhưng người sống đức hạnh thì ngày càng hiếm hoi. Trong mọi sự phá sản thì phá sản về đạo đức mới là mất mát lớn nhất.

2.

Câu hỏi này [đi tu để làm gì?] cần tiếp tục được trả lời ở một cự ly gần hơn. Người ta thấy, hiện nay nhà sư hay chùa chiền làm đủ thứ chuyện, như nuôi trẻ con, nuôi người già, làm từ thiện, bốc thuốc, v.v. Những chuyện này đều tốt cả, nhưng hỏi rằng đó có phải là mục đích rốt ráo của tu hành hay không? Không. Nuôi dưỡng người cô quả thì giống các cô nhi viện hay trại tế bần, làm từ thiện thì từ cá nhân đến các tập đoàn lớn đều có, chữa bệnh thì bệnh viện hay nơi này nơi khác cũng làm. Ăn chay thì chả cứ phải tu, nhiều người Âu Mỹ bây giờ cũng ăn chay vì lý do sức khỏe; phóng sinh thì các tổ chức bảo vệ động vật trên khắp thế giới còn làm tốt hơn nhiều.

Vậy đi tu là để sống cho tốt và thanh thản tâm hồn? Cái này ở nhà cũng làm được. Vả lại ở đâu mà chả phải lo sống cho tử tế; còn thanh thản thì do cái suy nghĩ của mình. Đấy là nói vậy, chứ người không làm việc xấu ác thì tâm hồn tự thanh thản, đâu cần phải cạo tóc đi tu. Còn suốt ngày “hiến kế” để lùa tiền cúng dường của bá tánh thì có cạo đầu ở chùa tâm vẫn bất an.

Phật nói “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, là vị mặn; pháp của ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát”. Mục đích tối cao của Phật giáo là giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì? Cái khổ.

Phật giáo nhìn nhận bản chất của đời sống là khổ đau. Nghèo hay giàu, khỏe hay bệnh, nam hay nữ, sang hay hèn, trẻ hay già... tất cả đều khổ. Và cái khổ cuối cùng là chết. Chết không phải là hết, chết là để bắt đầu một hành trình khổ mới. Đi tu là để thoát khỏi tất cả những nỗi khổ này, mà mấu chốt là ở chỗ đoạn dứt sinh tử luân hồi.

Tất cả những việc đã kể trên chỉ là trợ duyên, là phụ họa, muốn đạt được mục đích thì phải Giới - Định - Tuệ. Không giới thì chẳng thể định, không định thì tuệ mờ tối, tuệ đã mờ tối thì không cách chi chứng được thật tướng của tồn tại. Vì thế, dù có từ thiện, phóng sanh, ăn chay... vạn kiếp cũng chỉ là kẻ sống trong ảo ảnh do cái thức điên đảo của mình dựng lên, và cứ thế trôi lăn mà không cách gì tự nhận biết được.

Đọc lịch sử từ thời Đức Phật còn tại thế, chúng ta thấy ông cùng học trò không hề làm tất cả những việc kể trên, cùng lắm là “tùy duyên”, tiện tay thì làm, xong là thôi và liền trở lại con đường của giới - định - tuệ. Các nước theo truyền thống nguyên thủy bây giờ cũng vậy, chùa chiền không phải là nơi để đến ngắm cảnh, du lịch hay trại tế bần. Người tu sĩ có một công việc lớn lao phải làm, đó là dồn toàn bộ cuộc đời và sinh mạng mình vào con đường khai mở trí tuệ để đạt đến giải thoát. Và vì thế, nhiều người đã trở thành mô phạm cho thế gian về đức hạnh và sức mạnh tinh thần.

Đi tu là để thoát khổ, vì thế, tất nhiên nếu anh không thấy khổ thì chẳng việc gì phải đi tu, cứ ở đời mà sống cho sướng. Oái oăm ở chỗ không phải ai cũng biết thế nào là sướng là khổ thật sự. Để thấy Khổ (và Không, Vô thường, Vô ngã) lại cần phải có trí tuệ.

Phần này không phải phản đối việc làm từ thiện, làm được thì tốt thôi, tôi chỉ nói cái cốt lõi của tu hành dưới nhãn quan Phật giáo để không lẫn lộn nó với các tổ chức từ thiện. Đấy là chưa kể những thứ méo mó như mượn hình tướng Phật giáo và việc từ thiện để gom tiền thiên hạ.

3.

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Không thuyết pháp, không rao giảng, không nói đạo lý, nhưng chỉ bằng cách lặng lẽ sống đời đức hạnh, hành giả đã làm hiện nguyên hình những hư dối trong một xã hội rộng lớn. Và tạo một nguồn cảm hứng đẹp đẽ cho sự hướng thiện của con người trong xã hội ấy.

Đạo đức có một sức mạnh lớn lao như thế đó, nó mau chóng giúp người ta nhận ra thật giả, tốt xấu, khiến lòng người xúc động, biết hướng thiện và hướng thượng trong âm thầm mà mãnh liệt. Đó là sức mạnh kỳ diệu của những nhân cách lớn mà không tiền bạc nào làm tốt hơn và làm được một cách đơn giản đến thế.