Qua sách vở và hỏi han, tôi được biết: Truyền thuyết kể, sau cuộc kỳ ngộ trên bãi sông để nên duyên vợ chồng, công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử bị vua cha là vua Hùng thứ III tức giận và không nhận làm con nữa. Đôi vợ chồng trẻ phải bươn chải buôn bán nơi đầu sông cuối chợ. Rồi một ngày kia Chử Đồng Tử đã giong buồm đến một ngọn núi ở giữa biển để tu hành đắc đạo. Trong tác phẩm "Lĩnh Nam Chích Quái" đời Trần, ở truyện "Nhất Dạ Trạch" có nói đến chuyện một nhà sư tên là Phật Quang đã truyền dạy đạo Phật cho Chử Đồng Tử và Tiên Dung tại một ngôi chùa ở núi Quỳnh Viên. Ngọn núi ấy chính là Quỳnh Viên - Nam Giới, một danh thắng bậc nhất của xứ Nghệ. Nhưng giới nghiên cứu Việt Nam trong một thời gian dài đều coi đó là "một ngọn núi chỉ có trong thần thoại" (ví dụ như nhóm chủ biên "Thơ văn Lý Trần" tập III), cho tới khi TS. Lê Mạnh Thát trong cuốn "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" đã xác nhận rằng, núi Quỳnh Viên là có thật, và đưa dẫn chứng bằng mấy câu trong bài "Nam giới hải môn" của vua Lê Thánh Tông làm năm 1470 khi đưa quân đi chinh phạt Chiêm Thành: Di miếu man truyền kim Vũ Mục/ Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên (Di miếu còn truyền nay Vũ Mục/ Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên).
Sau khi miêu tả lai lịch di tích Vũ Mục, tác giả cuốn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” khẳng định núi Quỳnh Viên nằm tại cửa Sót là có thật, trên đó còn có một ngôi chùa, và như vậy đã hé mở được phần nào vấn đề Phật giáo được truyền vào nước ta từ thời đại Hùng Vương vốn là đề tài tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu (Theo Thích Phước An: Đường về núi cũ chùa xưa, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008). Sách "Nghệ An chí" của tiến sỹ Bùi Dương Lịch đời Gia Long cũng chép: "Huyền sử đời Hùng Vương tương truyền rằng Chử Đồng tử và nàng Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở Rú Bể nên gọi là núi Quỳnh Viên và đó cũng là cái tên xưa nhất của dãy Nam Giới này”.
Đây là ranh giới phía nam của Việt Thường xưa thuộc nước Nam hồi thế kỷ thứ IX. Bên kia sông Sót ngày xưa là núi Mốc - tên chữ là Mục Sơn. Trên mình dãy Quỳnh Viên và xung quanh nó là cả một vùng di tích lịch sử văn hoá có niên đại kéo dài từ thời hậu kỳ đá mới cho đến tận thời hiện đại, mà tiêu biểu nhất là đền Chiêu Trưng.
Như vậy là, nhiều sử liệu và dấu tích để lại chứng minh, cách đây gần 2.200 năm, nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ trong quá trình đi truyền đạo sang các nước châu Á, đã dừng chân đầu tiên tại đây và truyền bá đạo phật cho vị phật tử đầu tiên của Việt Nam là Chử Đồng Tử.
Như vậy là, nhiều sử liệu và dấu tích để lại chứng minh, cách đây gần 2.200 năm, nhà sư Phật Quang, người Ấn Độ trong quá trình đi truyền đạo sang các nước châu Á, đã dừng chân đầu tiên tại đây và truyền bá đạo phật cho vị phật tử đầu tiên của Việt Nam là Chử Đồng Tử.
Sau cả tháng với những hình ảnh tu sĩ Minh Tuệ tràn ngập không gian mạng, tôi đã nhớ lại: Hơn một năm trước, vào sáng 28/3/2023, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà), Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trường Đại học Vinh tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Tại Hội thảo này, TS. Lê Mạnh Thát có đề nghị: "Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần tổ chức một cuộc khảo cổ về những di tích tại núi Long Ngâm, trong đó có nền nhà Chử Đồng Tử bên chùa Quỳnh Viên để góp phần minh chứng cho việc khẳng định vấn đề nêu ra". Cũng trong Hội thảo, các tham luận tập trung đưa ra các luận điểm và bằng chứng khoa học để khẳng định: chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Long Ngâm, cạnh Cửa Sót (thuộc địa phận xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay là nơi phát tích của Đạo phật Việt Nam.
Tôi lấy tên phim bằng câu thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu: “Nước núi Sót mát lòng ưu ái”, có ngờ đâu lại có lúc ứng vào niềm mong mỏi của hàng triệu người dân về một nhà tu hành sinh ra trên quê hương đạo Phật Việt sẽ được “mát lòng ưu ái” khi gian nan hành hương tìm chân lý Phật…